Vừa qua, công ty nghiên cứu thị trường Kantar đã phát hành báo cáo ngành hàng FMCG cho sáu tháng đầu năm 2020, đem lại cái nhìn toàn cảnh về thị trường FMCG Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động này. Báo cáo sáu tháng đầu năm 2020 đã đề cập đến những xu hướng của người tiêu dùng hay những mặt hàng nổi trội trên thị trường trong mùa COVID được thu thập tại 4 thành phố chính và các vùng nông thôn trên toàn quốc. Báo cáo xoay quanh sáu chủ đề chính, bao gồm: tình hình COVID, các chỉ số kinh tế, toàn cảnh thị trường FMCG, tiêu điểm, kênh mua sắm, và ngành hàng tiêu biểu.
1. Diễn biến dịch COVID-19 khu vực Đông Nam Á và ở Việt Nam
Số ca nhiễm COVID-19 ở châu Á được cập nhật theo tuần
Các nước châu Á, trong đó có Việt Nam đang dần làm quen với những tác động của dịch COVID và đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Tuy nhiên, những diễn biến mới của dịch bệnh vào tháng 7 lại một lần nữa làm tổn hại nền kinh tế cũng như sức khỏe của con người. Indonesia, Philippines và gần đây là Việt Nam ghi nhận một số ca bệnh mới và một số ca tử vong, với khả năng đón nhận làn sóng COVID thứ hai vào nửa sau năm 2020.
2. Các chỉ số kinh tế của Việt Nam hai quý đầu năm 2020
Chỉ số tăng trưởng GDP giảm trong nửa đầu năm 2020, từ 3.82% xuống 0.36%. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã và đang chịu tác động không nhỏ của đại dịch đến với nền kinh tế. Kantar đưa ra 2 dự báo: Một là, quá trình phục hồi sẽ diễn ra từ quý 3 đến cuối năm để trở lại mức 3.8%. Hai là, tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục giảm xuống còn -0,1%. Bên cạnh GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI sau mức tăng vượt bậc ở quý 1 (5.6), đã giảm xuống mức 2.8 vào quý 2. Cuối cùng, hai quý đầu năm cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng.
COVID-19 cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực khác đến nền kinh tế, trong đó nổi bật là FDI giảm 15.1%, và tỷ lệ thất nghiệp tăng 2.51%.
Các chỉ số kinh tế của Việt Nam hai quý đầu năm 2020
3. Tổng quan ngành FMCG Việt Nam
Ngành FMCG chứng kiến sự gia tăng bất thường trong chi tiêu FMCG cho tiêu dùng nội địa trong 6 tháng đầu năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng vào FMCG tăng mạnh, đặc biệt trong tháng ba và tháng tư chủ yếu do tác động của Lệnh giãn cách xã hội do COVID-19. Tuy nhiên, thị trường FMCG được kỳ vọng sẽ trở lại “mức tăng trưởng một con số” khi tình hình lắng xuống.
Tăng trưởng giá trị ngành FMCG Việt Nam năm 2020 ở thành thị và nông thôn (đơn vị: %)
4. Những ngành hàng nổi trội
Hầu hết các ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đóng gói đều có doanh thu tốt trong đợt dịch này. Ngành đồ uống là ngành duy nhất bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch COVID-19.
Chi tiết hơn, phần lớn các mặt hàng FMCG đạt được hiệu suất tốt trong nửa đầu năm 2020. Các sản phẩm vệ sinh, tăng cường sức khỏe, đồ ăn nhẹ & thực phẩm tiện lợi cho việc ăn uống và nấu nướng tại nhà có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian COVID-19.
Thay đổi giá trị các ngành hàng FMCG Việt Nam (đơn vị: %)
5. Bối cảnh thị trường bán lẻ
Tạp hóa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chi tiêu gia tăng, nhưng đại siêu thị, siêu thị và các kênh mới nổi đang ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng FMCG.
6. Xu hướng mua hàng đáng chú ý
Chi tiêu cho tiêu dùng ngoài nhà đã phục hồi nhanh chóng sau giãn cách xã hội nhưng vẫn chưa trở lại mức trước khi diễn ra COVID. Điểm nổi bật là kênh giao hàng (Delivery) đang tăng trưởng mạnh mẽ trong dịch COVID-19.
Giá trị chi tiêu cho thức ăn và đồ uống tại TP.HCM (đơn vị: triệu $/tháng)
Tài liệu tham khảo
Hoang, N., 2020. FMCG Monitor June 2020 – Vietnamese – Kantar Worldpanel. [online] Kantarworldpanel.com. Available at: <https://www.kantarworldpanel.com/vn/news/FMCG-Monitor-June-2020> [Accessed 25 August 2020].