(TBTCO) – Nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ rất khả quan.
Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan. Ảnh: TL |
Giá cà phê ngày 7/2 đi ngang
Tại thị trường thế giới, giá cà phê ngày 7/2 không có biến động mới ở 2 sàn giao dịch lớn. Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 3/2022 giảm 5 USD/tấn, ở mức 2.229 USD/tấn, giao tháng 7/2022 giảm 7 USD/tấn ở mức 2.213 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 3/2022 giảm 2,05 cent/lb, ở mức 241,85 cent/lb, giao tháng 7/2022 giảm 2,05 cent/lb, ở mức 242,45 cent/lb.
Tuần qua, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 tăng 36 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 5,95 cent/lb.
Thị trường cà phê thế giới tuần qua tăng trưởng tốt khi tồn kho đạt chuẩn 2 sàn cùng giảm. Bên cạnh đó là việc tỷ giá đồng Real của Brazil tăng cao, DXY giảm mạnh hỗ trợ cà phê Arabica trên sàn New York. Trên sàn London, cà phê Robusta tiếp tục tăng nhờ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam kéo dài.
Hiện, giới kinh doanh và đầu tư tài chính các nước lại đang “sôi động và đầy sóng gió”. Tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến ngân hàng trung ương các nước đang phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách tiền tệ, chủ yếu theo hướng cứng rắn hơn.
Chỉ số giá trị đồng USD biến động mạnh bộc lộ giới đầu tư đang tìm cách tự bảo vệ mình. Giá cà phê nhận được một phần dòng tiền thoát ra từ chứng khoán giúp tăng tốt trong tuần vừa qua. Trong khi đó cuộc khủng hoảng logistics chưa thể kết thúc trong năm nay, hiện giá cước tàu biển vẫn cao và khả năng còn tiếp tục cao.
Giá cà phê tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì ổn định, giao dịch quanh ngưỡng 39.900 – 40.500 đồng/kg. Tuần qua, thị trường cà phê trong nước tăng thêm 700 đồng/kg dù đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
Còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê
Theo các nhà phân tích thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo, niên vụ 2021/2022, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo đạt 31,1 triệu bao, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ năng suất. Năm 2021, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng so với năm 2020, trong đó, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á tăng 22,8%.
Tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á tăng từ 38,02% trong năm 2020 lên 41,54% trong năm 2021. Năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang một số thị trường tăng so với năm 2020 như: Đức, Nhật Bản, Nga. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang các thị trường Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý giảm.
Như vậy, năm 2022 Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê. Có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan./.
Theo Phúc Nguyên