Dịch bệnh đang tác động đến cây cà phê của Việt Nam
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Quý II/2021, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021. Cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Trong đó, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa trong quý II/2021 biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021; Xu hướng tăng giá kéo dài sang cả tháng 7/2021.
Cũng trong quý II/2021, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2021, cho dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu và một số quốc gia châu Á vẫn tăng nhập khẩu cà phê.
Thị trường thế giới
Quý II/2021, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021 do: (i) Diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng kéo dài, giá cước phí tăng cao; (ii) Nguồn cung cà phê thiếu hụt do Việt Nam và một số nước sản xuất lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19; (iii) Nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, châu Âu tăng. Tháng 7/2021, giá cà phê thế giới chững lại trong những ngày đầu tháng so với cuối tháng 6/2021, nhưng sau đó đã tăng mạnh trở lại.
Những ngày cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Đợt sương giá nghiêm trọng tại Bra-xin và nguồn cung hạn chế từ Việt Nam khiến giá cà phê tăng mạnh.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 11/2021 và tháng 1/2022 sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 1.975 USD/tấn và 1.960 USD/ tấn ngày 27/7/2021, ngày 28/7/2021 giảm xuống 1.940 USD/tấn và 1.923 USD/tấn, nhưng so với ngày 30/6/2021 vẫn tăng lần lượt là 14,8% và 13,3%.
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2021, tháng 12/2021 và tháng 3/2022 ghi nhận mức cao 207,8 Uscent/lb, 210,7 Uscent/lb và 212,6 Uscent/lb vào ngày 27/7/2021, sang ngày 28/7/2021 giảm xuống 201,75 Uscent/ lb, 204,6 Uscent/lb và 206,55 Uscent/lb, nhưng so với ngày 30/6/2021 tăng lần lượt 25,9%, 25,4% và tăng 24,7%.
Trên sàn giao dịch BMF của Bra-xin, ngày 28/7/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9/2021, tháng 12/2021 và tháng 3/2022 đạt lần lượt 250,05 Uscent/lb, 256,8 Uscent/lb và 259,95 Uscent/lb, giảm nhẹ so với giá ngày 27/7/2021, nhưng so với ngày 30/6/2021 tăng mạnh lần lượt là 29,2%, 29,8% và 31%. + Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.984 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 238 USD/tấn (tương đương mức tăng 13,6%) so với ngày 30/6/2021.
Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Các yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng (i) Nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Giá cước vận chuyển các tuyến Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB, mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn; (ii) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho. (iii) Theo ước tính ban đầu, tình trạng sương giá tại Bra-xin sẽ làm sản lượng vụ mùa đang thu hoạch giảm khoảng 1% và khả năng sản lượng của niên vụ sau cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Thị trường tiếp tục thận trọng với dự báo nhiệt độ ở các vùng trồng cà phê vào đầu tháng 8 có khả năng chạm ngưỡng 00 C và nguy cơ xuất hiện “sương giá đen”.
Thị trường trong nước
biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021. Xu hướng tăng giá kéo dài sang cả tháng 7/2021. Ngày 28/7/2021, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng theo giá thế giới. Mức tăng từ 7,0 – 7,2% so với ngày 30/6/2021, lên mức 37.000 – 38.200 đồng/kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê tăng 6,8% so với ngày 30/6/2021, lên 39.400 đồng/kg.
Quý II/2021, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý II/2021 đạt 390,4 nghìn tấn, trị giá 738,52 triệu USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với quý I/2021, so với quý II/2020 giảm 8,1% về lượng, nhưng tăng 2,6% về trị giá.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 7/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 6/2021, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 953 nghìn tấn, trị giá 1,754 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng tiếp tục kéo dài khiến chi phí tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới.
Khu vực thị trường xuất khẩu Quý II/2021, trị giá xuất khẩu cà phê sang hầu hết các châu lục giảm so với quý I/2021, trong đó, tốc độ giảm xuất khẩu sang châu Đại Dương cao nhất 18,1%; mức giảm thấp nhất là sang châu Phi giảm 0,5%. So với quý II/2020, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các châu lục giảm, ngoại trừ châu Á tăng 30,9%.
Thị trường xuất khẩu Quý II/2021, trị giá xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chính giảm so với quý I/2021, ngoại trừ Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, An-giê-ri, Thái Lan, Hoa Kỳ. So với quý II/2020, trị giá xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chính giảm, ngoại trừ Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.
Chủng loại xuất khẩu Quý II/2021, trị giá xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với quý I/2020, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Excelsa tăng. So với quý II/2020, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, ngoại trừ cà phê Arabica. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 729,7 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Dung lượng thịt rường nhập khẩu cà phê của 10 thị trường lớn và thị phần của Việt Nam
5 tháng đầu năm 2021, cho dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu và một số quốc gia châu Á vẫn tăng nhập khẩu cà phê. Đối với ngành cà phê Việt Nam, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu container rỗng kéo dài và giá cước phí tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường khác, nhưng giảm từ Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu sẽ vẫn gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại.
Thị trường Hoa Kỳ: 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê đạt 2,578 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam đạt 102,76 triệu USD, giảm 30,7% so với 5 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 3,99% trong tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm 2021, thấp hơn so với mức 6,04% trong 5 tháng đầu năm 2020. Theo khảo sát, người Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 400 triệu tách cà phê mỗi ngày, khiến nước này trở thành nước tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà của người dân Hoa Kỳ tăng cao. Theo khảo sát của Hiệp hội Cà phê Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 70% người tiêu dùng thích pha cà phê tại nhà. Thị hiếu tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ đã có sự chuyển đổi dần từ nước giải khát sang thức uống cà phê trong những năm gần đây. Thị trường cà phê Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,8%/ năm trong giai đoạn 2020 – 2025.
Thị trường Đức: 5 tháng đầu năm 2021, Đức nhập khẩu cà phê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam từ Việt Nam đạt 148,9 triệu USD, giảm 26,9% so với 5 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam chiếm 5,78% trong tổng giá trị nhập khẩu của Đức trong 5 tháng đầu năm 2021, thấp hơn so với 8,29% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Đức là nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất tại châu Âu. Đức có ngành công nghiệp rang xay cà phê rất lớn, phục vụ thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu trong và ngoài châu Âu. Các thị trường tái xuất cà phê nhân của Đức gồm: Ba Lan (chiếm 26%), Hoa Kỳ (chiếm 23%), Tây Ban Nha (10%), Hà Lan (8,4%), Pháp (7,3%) và CH Séc (4,5%). Thị hiếu tiêu dùng của người dân Đức ưa chuộng cà phê Arabica và cà phê rang nhẹ. Mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở Đức đạt xấp xỉ 6,5 kg/ người/năm, cao hơn mức trung bình của EU khoảng 5,2 kg/người/năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức tăng nhập khẩu cà phê phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Dự báo, mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê của Đức sẽ tăng khoảng 3 – 5%. Nhu cầu về cà phê hữu cơ ở Đức tiếp tục tăng. Để tăng xuất khẩu vào thị trường cửa ngõ châu Âu này, doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đồng thời quan tâm tới sản xuất cà phê hữu cơ.